Một lãnh đạo ngân hàng tư nhân cho biết việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 02 giúp khách hàng giãn áp lực trả nợ và có điều kiện phục hồi tốt hơn. Ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ quyết định này khi khách hàng hồi phục tốt, tăng khả năng trả nợ, giảm áp lực nợ xấu phát sinh tại ngân hàng.

Trong thời gian qua, áp lực nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng, đến từ khó khăn trả nợ của khách hàng. Dù ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng do thanh khoản của thị trường bất động sản yếu nên việc thanh lý tài sản đảm bảo giai đoạn này rất khó khăn.

Doanh nghiệp được giãn nợ vay từ nay đến cuối năm.

Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh cho rằng, quyết định kéo dài Thông tư 02 sẽ giải quyết được cơ bản các khó khăn của doanh nghiệp đã và đang có nhu cầu cơ cấu trong giai đoạn tới. Lãnh đạo MB hy vọng, đến hết năm, kinh tế trong nước và thế giới có chuyển biến tích cực, đi vào ổn định cùng với giải pháp của ngân hàng khả năng phục hồi của doanh nghiệp sẽ tốt hơn.

Theo ông Ánh, khi thực hiện cơ cấu nợ, ngân hàng vẫn trích dự phòng như bình thường, chỉ khác là nhóm nợ của khách hàng vẫn được giữ để đảm bảo được quan hệ tín dụng đối với các ngân hàng.

Việc Ngân hàng Nhà nước gia hạn tới ngày 31/12/2024 là phù hợp. Sau thời gian này, phải thể hiện đúng bản chất khoản nợ để có những điều hành phù hợp hơn, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn. Không phải ngân hàng nào cũng có tài chính “dư dả” để trích đầy đủ ngay các khoản nợ cơ cấu. Các ngân hàng phải đánh giá đúng doanh nghiệp có khả năng hồi phục, có khả năng trả nợ, đồng thời kiểm tra, giám sát cẩn thận doanh nghiệp trong quá trình được cơ cấu…

Nhiều chuyên gia cho rằng những tháng đầu năm 2024, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, sức cầu của nền kinh tế còn yếu, tín dụng tăng trưởng chậm.

Vì thế, việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 đến hết 31/12/2024 sẽ tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ ngân hàng, nhưng cũng không nên lạm dụng quá. Bởi chính sách cơ cấu nợ đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia.

Đây cũng là lý do Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa (thay vì dài hơn). Hết năm 2024 đánh giá tiếp. Nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì có cơ chế khác hỗ trợ.

Trước mắt, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc triển khai Thông tư 06 vừa ban hành sửa đổi Thông tư 02 nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã được ban hành. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát tình hình triển khai chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Ngọc Mai